image1 602w301h

Lương Bao Nhiêu Mới Đóng Thuế Thu Nhập Cá Nhân?

Tiền lương là thu nhập chính của hầu hết người lao động. Tuy nhiên, khi tiền lương đạt tới mức theo quy định, người lao động sẽ cần phải đóng thuế thu nhập. Vậy lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân? Mức đóng thuế được tính như thế nào?

Lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân

Khái niệm thuế thu nhập cá nhân

Có thể hiểu đơn giản, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà cá nhân có thu nhập phải trích từ lương hoặc một số nguồn thu nhập khác để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, khoản thuế này không áp dụng đối với những đối tượng thu nhập thấp. Đây cũng là cách để Nhà nước thu hẹp khoảng chênh lệch giữa các đối tượng, tầng lớp trong xã hội.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định đối tượng phải nộp thuế TNCN bao gồm:

  • Cá nhân cư trú tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế TNCN với các khoản thu nhập cả trong lẫn ngoài lãnh thổ Việt Nam.
  • Cá nhân không cư trú tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế TNCN với các khoản thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung liên quan đến đối tượng nộp thuế TNCN được quy định tại Điều 2 Luật Thuế TNCN 2007 (sửa đổi, bổ sung 2012).

Văn bản pháp luật nào quy định mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân?

Mức lương phải đóng thuế cùng các vấn đề liên quan đến thuế TNCN được quy định trong 3 văn bản là:

  • Luật Thuế TNCN năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012).
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Thuế năm 2014.
  • Nghị quyết 954/2020/UBTVQH.

Tìm hiểu quy định về mức lương đóng thuế thu nhập cá nhân

Lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân

Để giải đáp thắc mắc lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân, chúng ta cần xét đến 2 đối tượng chịu thuế, đó là:

Với cá nhân không cư trú

Cá nhân không cư trú (hay người nước ngoài) sẽ phải đóng thuế TNCN nếu thu nhập chịu thuế lớn hơn 0. Mức thuế suất được tính với đối tượng này là 20%.

Với cá nhân cư trú

Dựa vào những quy định của pháp luật, cá nhân cư trú sẽ phải đóng thuế TNCN nếu có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công:

  • Trên 11 triệu/tháng (với đối tượng không có người phụ thuộc).
  • Trên 15,4 triệu/tháng (với đối tượng có 1 người phụ thuộc).

Những loại thu nhập nào thuộc nhóm thu nhập chịu thuế?

Thu nhập chịu thuế là các loại thu nhập từ:

  • Kinh doanh.
  • Chuyển nhượng bất động sản.
  • Trúng thưởng.
  • Bản quyền.
  • Nhận thừa kế trong 1 số trường hợp cụ thể quy định tại Điều 3 Luật Thuế TNCN.
  • Nhận quà tặng trong 1 số trường hợp cụ thể quy định tại Điều 3 Luật Thuế TNCN.
  • Chuyển nhượng vốn.
  • Tiền công, tiền lương.
  • Nhượng quyền thương mại.
  • Đầu tư vốn.

Tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

Với cá nhân không cư trú

Nếu người lao động không cư trú tại Việt Nam nhưng có các khoản thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải nộp thuế TNCN với mức:

Thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương * thuế suất (20%)

Với cá nhân cư trú

Nếu người lao động cư trú tại Việt Nam thì mức thuế TNCN phải nộp được chia thành 2 trường hợp:

  • Có hợp đồng lao động với thời hạn ít hơn 3 tháng, mức lương bằng hoặc lớn hơn 2 triệu đồng/tháng thì phải nộp thuế TNCN với mức:

Thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương * thuế suất (10%)

  • Có hợp đồng lao động với thời hạn 3 tháng trở lên thì được tính theo bảng dưới đây:
Lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân

Thu nhập tính thuế (TNTT) trong bảng trên được tính như sau:

  • Thu nhập chịu thuế – Khoản giảm trừ
  • Trong đó, các khoản giảm trừ được áp dụng với:
  • Giảm trừ đối với bản thân người đóng: 11 triệu đồng/tháng.
  • Giảm trừ gia cảnh (có người phụ thuộc): mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng.
  • Đóng bảo hiểm và quỹ hưu trí (nếu có).
  • Các khoản đóng góp với mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc khuyến học.
  • Còn thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập của cá nhân sau khi trừ đi các khoản được miễn thuế.

Các khoản miễn thuế bao gồm:

  • Tiền ăn trưa, ăn giữa ca.
  • Tiền phụ cấp, hỗ trợ điện thoại.
  • Tiền phụ cấp, hỗ trợ xăng xe.
  • Tiền phụ cấp, hỗ trợ trang phục.
  • Công tác phí.
  • Tiền công, tiền lương làm thêm giờ hoặc làm ca đêm cao hơn tiền công, tiền lương ban ngày hoặc trong giờ theo quy định.
Lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân

Chúng ta cùng tham khảo ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về cách tính thuế TNCN.

Ví dụ: Tiền lương tháng 10/2021 của bà A là 20.000.000 VND. Trong đó:

  • Lương theo ngày công: 15.000.000 VND.
  • Thưởng doanh thu: 4.000.000 VND.
  • Phụ cấp ăn trưa: 500.000 VND.
  • Phụ cấp điện thoại: 500.000 VND.

Các khoản bảo hiểm phải đóng bao gồm BHXH, BHYT, BHTN với mức đóng 10,5% = 1.575.000 VND.

Hiện tại, bà A đăng ký giảm trừ gia cảnh với 1 người phụ thuộc là con gái.

Khi đó,

  • Thu nhập chịu thuế của bà A là:

20.000.000 – (500.000 + 500.000) = 19.000.000 VND

  • Thu nhập tính thuế của bà A là:

19.000.000 – (4.400.000 + 11.000.000 + 1.575.000) = 2.025.000 VND (>0 nên bà A phải nộp thuế TNCN)

  • Thu nhập tính thuế của bà A thuộc bậc 1 theo bảng tính thuế TNCN:

5% TNTT = 5% * 2.025.000 = 101.250 VND

Như vậy, tháng 10/2021, bà A phải nộp 101.250 VND thuế TNCN.

Trên đây là một số thông tin giải đáp thắc mắc lương bao nhiêu mới đóng thuế thu nhập cá nhân. Hy vọng thông qua bài viết này của New Rich, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về thuế thu nhập cá nhân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *